Saturday, January 31, 2015

( "Chuẩn bị" trước khi cho xe máy lội nước ) - Sáng nay, Hà Nội ngập nước mênh mông. Ở hai đầu của những đoạn đường ngập nước, xe chết máy nhiều vô kể, song cũng có anh chàng tự hào vì xe mình có thể đi qua được đoạn đường ngập sâu đến tận yên, nhưng họ đâu biết rằng những nguy cơ tiềm ẩn sẽ phá tan cả máy nếu xe không được kiểm tra ngay sau đó.

"Chuẩn bị" trước khi cho xe máy lội nước

Đường ngập nước đã trở thành “võ trường” cho các loại xe thi thố sức mạnh. Khỏe nhất phải kể đến các loại xe hai kỳ. Kích bốc, Minsk, Vespa đã tạo điều kiện cho ông chủ thoả sức “vênh mặt”. Anh Trường (Trương Định), chủ một chiếc Vespa tự hào nói: “Từ sáng đến giờ, chạy khắp Hà Nội mà chẳng hề hấn gì”. Nói rồi anh kéo ga để lại một mảng khói và cặp mắt thán phục của những ông chủ Dream, Viva… phía sau. 

Loại thứ hai là những xe nam máy đứng. Với ưu thế gầm máy cao, bugi và bầu lọc gió cũng cao (ngay dưới yên xe), những chiếc xe này “sống” tốt nhất khi ngập nước. Ngoài ra các loại xe nữ đời mới như Wave, Suzuki-Best cũng rất kiên cường, mặc dù nước đã ngập đến tận gần yên xe. Song cũng có những anh xe khoẻ mà vẫn bị chết máy, bởi đang đi giữa đường mà bị xe khác chặn trước mặt thì cũng chết theo luôn.

Trong đám đông xe chết máy, chiếc Suzuki 125 cc của anh Nhân (Cầu Diễn) đề liên tục mà máy không nổ, sau khi bugi được tháo ra, nước từ lỗ bugi ở đầu quy lát phun ra ào ào. Chiếc xe sau đó được kiểm tra, nước đã ngập đầy trong các-te máy, nước chui vào xi lanh, nước tràn đầy bầu lọc gió.

Lau bugi chỉ là giải pháp tình thế!


Bở nhất là những anh chàng làm việc này. Chỉ với hai cái tẩu bugi và ít giẻ khô là có thể kiếm được 5.000 đồng cho việc lau một chiếc bugi, có lúc được đến 20.000 đồng/chiếc. Quy trình chỉ là tháo bugi ra khỏi quy lát, đạp khởi động để đẩy hết nước trong máy ra, sau đó lau sạch bugi và lắp trở lại, xe có thể nổ được ngay. 

Thế nhưng, việc lau bugi chỉ giải quyết được máy nổ tạm thời. Muốn máy không bị ảnh hưởng thì phải thay dầu ngay. Ở các-te máy bao giờ cũng có lỗ cân bằng áp suất. Lỗ này phải thường xuyên hút và đẩy không khí ra để áp suất trong và ngoài máy được cân bằng. Chỉ cần nước ngập qua lỗ cân bằng áp suất là sẽ bị hút vào trong. Vậy nên, nhiều xe ngập nước vẫn nổ tốt nhưng thực tình nước đã chui vào trong máy. 

Thậm chí, kể cả khi nước ngập các-te, máy vẫn có thể nổ được. Song nước sẽ làm cho dầu bị hỏng trong vòng vài ngày (dầu bị mất hết độ nhớt) dẫn đến các bộ phận khác như biên, xi lanh, đầu bò… cũng hỏng theo. Ông Khanh kể, có nhiều khách hàng mang xe đến cửa hàng thì đã quá muộn, toàn bộ máy đã bị phá tan tành.

Khắc phục hậu quả


Công việc khắc phục đối với chiếc xe đã bị ngập nước nặng như của anh Nhân khá phức tạp. Trước hết, phải tháo hết dầu máy, đổ dầu diezen hoặc dầu rửa máy chuyên dụng để xả sạch hết thứ dầu trộn nước trong các-te. Sau đó cho máy chạy bằng một hộp dầu mới trong vòng vài tiếng đồng hồ và lại xả hết số dầu đó ra thay bằng hộp khác. Sau vài ngày, phải kiểm tra xem xe đã ổn định chưa. Nếu dầu có màu khác thì phải thay tiếp. Mặc dù đã khắc phục tạm ổn nhưng Nhân vẫn không khỏi lo lắng cho bộ hơi của xe mình.

Ngoài công việc chính ở trên, người sử dụng xe cần bôi trơn một số chi tiết dễ bị gỉ sét khi sử dụng xe trong mùa mưa. Tuỳ theo đặc điểm của từng bộ phận mà sử dụng mỡ hoặc nhớt máy.

Một số bộ phận do nằm ở những vị trí kín đáo như chân chống đứng, chống ngang, càng thắng... nên ít được bảo dưỡng. Khi gỉ sét, các bộ phận này bị bó kẹt bởi lớp gỉ sét làm cho việc vận hành thắng, gạt chân chống trở nên khó khăn. Cần nhỏ dầu phá gỉ sét qua các kẽ hở, sau đó châm mỡ bò vào để bảo quản.

Chuẩn bị cho xe lội nước


Tốt nhất là tránh những đoạn đường ngập nước vì xe được thiết kế không phải để lội, hầu hết các bộ phận của xe chỉ hoạt động tốt trong điều kiện khô ráo. Nếu bất đắc dĩ phải lội nước thì nên để xe ở số 2, kéo ga đều (không được phép giảm ga). Nếu xe chạy tốt qua đoạn đường đó thì sau đó cũng phải thay dầu, còn nếu chết máy thì phải mang xe ra thợ để rửa máy ngay, vì nước đã theo đường ống pô, lỗ cân bằng áp suất, chui đầy vào máy.

Trước khi lội nước, cũng cần kiểm tra và sửa chữa lại một số phụ tùng. Có thể đó chỉ là sơn lại cặp vè, niền xe, súc rửa bình xăng con, bugi, ống pô, đường dây điện để tăng thêm khả năng chịu đựng của xe máy. Một chiếc xe không được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dễ dàng chết máy khi chạy lâu ngoài mưa hoặc di chuyển trên những con đường ngập nước.

Đối với những chiếc xe sắp đến hạn kiểm tra, có thể súc rửa bình xăng con để hoà khí lưu thông dễ dàng từ bình xăng xuống nòng xi lanh. Kiểm tra toàn bộ những đường ron bình xăng con, blốc máy, cụm đề... Các đường ron này thông thường đều bị chai hoặc co lại sẽ không khít như lúc ban đầu. Do đó, hơi nước có thể thấm vào bên trong, làm xe khó nổ máy hoặc không khởi động được.

Nên gác đoạn ống xăng dư, ống thông hơi các-te máy lên cao, không để xuôi chiều xuống phía dưới như mùa nắng vì hơi nước có thể thâm nhập qua đường ống này. Đặc biệt, xem xét kỹ đoạn ống thông hơi blốc máy xem có bị tắc nghẽn hoặc bám bùn đất không. Khi đi qua những đoạn đường ngập nước thì nước sẽ lọt vào máy qua ống thông hơi này.

Kiểm tra bugi, phát hiện bộ phận đầu bọc bị chảy, tróc nhựa thì cần phải thay ngay cái mới để xe máy không bị yếu điện. Đối với những chiếc xe có đường dây điện phơi trần bên ngoài không có bộ phận che chắn, cần lắp thêm để chống nước mưa thâm nhập trực tiếp, có thể làm mất nguồn điện.

"Chuẩn bị" trước khi cho xe máy lội nước

  • Uploaded by: Unknown
  • Views:
  • Category:
  • Share

    0 nhận xét:

    Post a Comment

     
    Copyright © Người đẹp - Siêu xe
    Blogger Templates Wallpapers Hack Wfi